Đêm đó là đêm kinh hoàng cho người Ai cập nhưng lại là đêm giải thoát cho dân Israel (19,1-21).

Tất cả những so sánh trên nhằm tôn vinh sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân Israel. Bài học mà tác giả muốn mọi người quan tâm là hãy đọc lại lịch sử Israel để khám phá sự dẫn dắt khôn ngoan của Chúa và gắn bó với Chúa, đó chính là lối sống khôn ngoan.

Đọc lại lịch sử để khám phá sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa vẫn là một trong những cách thế hữu hiệu giúp ta sống đức tin. Có thể nói đây cũng là một trong những nền tảng cho phương pháp được gọi là Kinh nguyện hồi tưởng. Phương pháp này mời gọi ta cầu nguyện bằng cách nhìn lại chính đời mình để nhớ lại những khoảnh khắc đặc biệt ở đó ta cảm nhận sự hiện diện của Chúa cách rõ nét, nhớ lại những con người đã ghi dấu ấn sâu đậm trong đời ta, nhớ lại những biến cố lớn trong cuộc đời, nhớ lại cả những thương tích in sâu trong tâm hồn. Tất cả nhằm mục đích giúp ta cảm nhận rõ ràng sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong cuộc đời mình, nhờ đó ta đến với Chúa không chỉ bằng những suy nghĩ trừu tượng của trí khôn nhưng với cả con người của mình.

 

V. NHỮNG NGẪU TƯỢNG (13,1 – 15,17)

Xen lẫn những suy tư về sự quan phòng của Thiên Chúa, sách Khôn Ngoan nói khá nhiều về việc thờ ngẫu tượng, đáng cho ta quan tâm. Chủ đề này được chia thành hai phần, một là việc thờ phượng thiên nhiên (13,1-9), và hai là việc thờ ngẫu tượng (13,10 – 15,17).

Trong phần nói về thờ phượng thiên nhiên, tác giả phê phán “những kẻ ngu si” vì họ thờ phượng những sự vật trong thiên nhiên như lửa và gió, tinh tú và bầu trời, sông nước hay mặt trời mặt trăng... mà không khám phá ra chính Đấng đã làm nên vạn sự, “Nếu chúng có đủ khả năng hiểu biết để có thể nghiên cứu các sự vật trên đời, thì sao lại không sớm nhận ra Đấng chủ tể của những sự vật đó” (13,9). Những phê phán này nhắc ta nhớ lại điều thánh Phaolô đã nói trong Rm 1,18-25, và giáo huấn của Hội Thánh về việc lý trí con người có thể nhận ra Đấng Tạo hoá qua những kỳ công Người thực hiện.

Ngoài việc thờ phượng thiên nhiên, còn có thứ thờ phượng tệ hại hơn nhiều, đó là thờ phượng những sản phẩm do chính tay con người làm ra (13,11 – 14,11; 15,7-13). Ông thợ mộc hay anh thợ gốm tạc nặn những tượng thần. Rõ ràng là sản phẩm do tay con người làm ra. Tác giả còn phê phán cách cay độc rằng tượng thần đó được làm từ một mẩu gỗ chẳng còn dùng vào được việc gì vì đầy mấu đầy mắt (13,13)! Thế nhưng sản phẩm đó lại được con người thờ lạy và khấn xin những điều mà ngẫu tượng đó hoàn toàn không thể đáp ứng, “Với vật không hồn, anh xin sự sống; với vật không kinh nghiệm, anh xin sự giúp đỡ; với vật không đi được nửa bước, anh xin thượng lộ bình an” (13,18). Thật là ngu xuẩn và điên rồ.

Cùng với những lời phê phán việc thờ ngẫu tượng, tác giả đưa ra những suy tư và phân tích sâu sắc về nguồn gốc và hậu quả của việc thờ ngẫu tượng (14,12 – 15,6). Tác giả nhắc đến hai nguồn gốc dẫn đến chỗ thờ ngẫu tượng: người cha mất con nên nặn hình tượng con rồi tôn kính như thần thánh và bắt mọi người phải làm theo (14,12-15); tạc hình tượng những nhà cai trị ở xa rồi cổ võ việc thờ kính ông ta (14,17-20). Hậu quả là một hiểu biết hoàn toàn sai lạc về Thiên Chúa (14,22), và một khi không hiểu biết và tôn thờ Thiên Chúa đích thực, con người để cho mình sa vào sự lôi cuốn của dục vọng với đủ thứ tội ác (14,23-26).

Những suy tư này vẫn còn nguyên giá trị cho cuộc sống con người hôm nay. Trong một thời đại phát triển khoa học kỹ thuật cao như ngày nay, con người không còn thần thánh hoá những sự vật trong thiên nhiên (dù vẫn có một số hình thức mê tín đị đoan). Thế nhưng nhiều người ngày nay lại có khuynh hướng thần thánh hoá những con người bằng xương bằng thịt, ví dụ một nhà lãnh đạo nào đó hoặc một siêu sao điện ảnh! Bên cạnh đó người ta tôn thờ quyền lực và tiền bạc, vốn chỉ là sản phẩm do tay con người làm ra, mà bỏ quên Thiên Chúa Tạo Hoá. Rồi người ta kiếm tìm những nghi lễ huyề

Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp | Privacy Policy | Terms of Use
2121 W. Apollo Rd., Garland, TX 75044 | Tel: (972) 414-7073 | E-mail: dmhcggarland@gmail.com