Xưng tội bây giờ là vấn đề đáng quan tâm, một phần vi nhiều người ít hiểu nên ngại, một phần vì tội lỗi lan tràn khắp nơi, khiến cho người ta mất ý thức về tội, ít nghĩ đến tội, không còn sợ tội để mà xa lánh. Có nhiều căn cớ gây nên tình trạng này, như lương tâm bị chai lỳ không còn nhậy cảm với tội, như ít đi xưng tội nên cũng chẳng mấy khi nghĩ đến tội. Thêm vào đó là trào lưu tục hóa và khuynh hướng tương đối hóa của người thời nay.
Vậy, thiết tưởng nên bàn về vấn đề xưng tội để hiểu cho đúng ý nghĩa, và tránh cảm nghĩ đó là một công việc nặng nhọc gần giống như một thứ khổ dịch.
Như giáo lý dạy, xưng tội là thành phần của bí tích giải tội. Ngày nay người ta còn dùng nhiều từ khác để chỉ bí tích này như hòa giải, giao hòa, sám hối nhưng từ giải tội và xưng tội vẫn thông dụng và dễ hiểu hơn, nghĩa là có tội thì đi xưng, xung thì được tha. Chúng ta có tội xúc phạm đến Chúa, bây giờ xưng tội thì Chúa tha cho. Bởi vậy, từ giải tội vẫn gần gũi và thiết thực hơn. Nói chung một cách vắn tắt, xưng tội là xưng thú các tội xúc phạm đến Chúa và người khác với người đại diện của Chúa là cha giải tội một cách chân thành. Xưng tội là mong kết nối lại mối dây ân tình giữa mình với Chúa đã bị phá vỡ vì tội lỗi. Nay đi xưng tội là để tăng thêm tình nghĩa với Người, nếu chỉ có những lỗi phạm nhẹ ; và khôi phục lại tình nghĩa cha con, nếu như đã trót có những lỗi phạm nặng, vì khi đó là xóa bỏ ơn nghĩa, làm mất ơn thánh sủng khiến linh hồn ra đen tối. Vì thế, phải xưng tội để mỗi ngày được thêm ơn phúc và lấy lại tình trạng ơn nghĩa, nếu như đã đánh mất vì các tội trọng. Muốn xưng tội cho có kết quả tốt, cần làm những việc sau đây:
1. Xét mình
Nghĩa là xét xem trong thời gian từ lần xưng tôi trước cho đến bây giờ, mình đã phạm những tội nào trong mười điều răn của Chúa. Có thể xét mình dựa vào mười điều răn như vẫn thường làm xưa nay. Lại cũng có thể dựa vào các mối liên lạc của mình với Chúa, với người khác và với chình mình. Đối với Chúa, thử xét xem mình có đầy đủ bổn phận với Người không? Bổn phận ở đây là bổn phận của thọ tạo đối với Đấng Hóa Công. Thọ tạo phải tôn thờ và biết ơn Đấng đã tạo dựng nên mình. Vậy, các việc thờ phượng, kinh lễ đối với Chúa thế nào. Các điều răn Hội thánh truyền dạy về việc tôn vinh thờ phượng Chúa, mình giữ ra sao?
Đó là nói chung về việc thờ phượng kinh lễ. Còn đối với người ta, thử xét xem mình có giữ đức công bình, bác ái với ngưới ta không? Có vay mượn mà không trả hay làm thiệt hại của cải vật chất hay danh thơm tiếng tốt của người ta không? Có ganh ghen tìm cách gièm pha nói xấu hay đối xử gay gắt bất công không?
Đối với bản thân, mình có lo giữ điều độ trong việc ăn uống, ngủ nghỉ và mọi sinh hoạt khác không? Có lười biếng trong công việc bổn phận và sống vô tổ chức, vô kỷ luật không? Cuối cùng xét xem nết xấu nào ngăn cản mình sống thân tình với Chúa.<