1. Để sống một cách sung mãn trong ơn gọi hôn nhân, thiết tưởng cần phải vượt qua não trạng vị luật hay đúng hơn cái tâm thức mà chúng ta thường gọi là “tâm thức tiêu thụ” đối với các bí tích trong Giáo Hội. Với tâm thức tiêu thụ ấy, nhiều đôi vợ chồng cho rằng: một khi đã chịu bí tích trong nhà thờ thì cuộc sống hôn nhân đương nhiên sẽ xuôi buồm thuận gió.
Thật ra nghi thức cử hành trong nhà thờ mới chỉ là khởi đầu của bí tích Hôn Phối mà thôi. Bí tích Hôn Phối là cả cuộc sống vợ chồng với tất cả những thăng trầm, những chiến đấu, những vui buồn từng ngày. Chính qua những sinh hoạt từng ngày ấy mà tình yêu vợ chồng trở thành bí tích, nghĩa là trở thành dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa. Tất cả những biểu lộ của tình yêu lứa đôi từ những lời nói, ánh mắt, sự âu yếm cho đến tình thương đối với con cái… tất cả đều là dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa tình yêu. Đó là một tình yêu có thể thấy được, cảm nhận được. Con cái hân hoan khi chứng kiến tình yêu ấy, những người xung quanh được thánh hóa khi nhìn thấy tình yêu ấy.
Nhưng tất cả mọi biểu lộ của tình yêu vợ chồng sẽ dẫn tới sự kết hợp nên một thân xác giữa hai người, tức hành động giao hợp. Đó là dấu chứng cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa. Bàn đến một nền tu đức đặc biệt cho các đôi vợ chồng, thiết tưởng chúng ta không thể không nói đến giá trị nội tại của hành động này. Một cái nhìn lành mạnh và thánh thiện về hành động giao hợp là điều mà chúng tôi cố gắng trình bày trong bài này.
2. Để có được cái nhìn lành mạnh và thánh thiện trên đây, thiết tưởng chúng ta cần đọc lại số 49 trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vaticanô II:
“Là một hành động có đặc tính nhân linh cao cả vì từ một nhân vị này hướng tới một nhân vị khác bằng một tình cảm tự ý, tình yêu vợ chồng bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người. Vì thế, tình yêu vợ chồng có thể lồng vào những biểu lộ của thân xác và tâm hồn một giá trị đặc biệt khiến chúng trở nên cao quí như những yếu tố và dấu hiệu đặc thù của tình yêu lứa đôi. Một tình yêu kết hợp yếu tố nhân loại với yếu tố thần linh như thế phải thấm nhuần cả đời sống, và hướng dẫn đôi vợ chồng biết tự do trao hiến cho nhau qua những tâm tình và cử chỉ yêu mến. Hơn nữa chính nhờ những hành vi quảng đại của mình mà tình yêu giữa hai người được trọn vẹn và lớn lên. Sự âu yếm trên được biểu lộ và hoàn hảo một cách đặc biệt qua những động tác riêng của bậc hôn nhân.
Bởi vậy, những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng thật là cao quí và chính đáng. Việc thực hiện chúng một cách xứng với con người, những hành vi ấy biểu lộ và khích lệ sự trao hiến cho nhau, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn”.
Những dòng trên đây của Công Đồng thực là một bài ca về hành động giao hợp trong đời sống vợ chồng. Trước kia hành động ấy bị xem như một hành động thấp hèn không xứng với phẩm giá con người, một hành động mà có lẽ Giáo Hội chỉ cho phép làm để xoa dịu cơn đói khát tình dục mà thôi. Với Công Đồng Vaticanô II, động tác ấy không chỉ được khuyến khích mà còn được xem như một nghĩa vụ giúp hoàn thiện hoá hai vợ chồng.
Nói cách khác, việc giao hợp vợ chồng không là một động tác tuỳ tiện mà hai người chỉ thực hiện theo sở thích, nhưng phải được xem như một phương thế để tiến triển trên con đường nên thánh. Nếu đó là một động tác thực sự xứng với con người được thực thi với sự chú ý, cảm thông, tôn trọng, hy sinh, quảng đại thì đó cũng là một hành động thá