Giáo lý đích thực đã được thánh Công đồng Vaticanô II đề cập trong Hiến chế Giáo Hội, (GH 67), những khác biệt về giáo lý với các anh em ly khai Tây Phương (Sắc lệnh HN 20), trong đó vấn đề tranh luận liên quan đến Ðức Maria ảnh hưởng sâu sắc đến phương diện tình cảm, là lý do của mối lo âu đại kết (Philibert Zobel, Dictionary of Mary, bản Việt ngữ của Ngọc Ðính C.M.C p140). Trươc hết, chúng ta cùng tìm hiểu một trong các điểm khác biệt quan trọng về Giáo lý giữa anh em Tin lành Toàn Thống (Fundamentalis) và Giáo Hội Công giáo:
- Phía anh em Tin lành:
Bắt đầu thời Cải cách, anh em Tin lành đã đưa ra lý thuyết duy Kinh thánh " Sola Scriptura" (Lat: by Scripture alone). Mỉa mai thay, định đề này lại chẳng có trong Kinh thánh. Ðể cho định đề duy Kinh thánh đứng vững, chúng ta đưa ra ví dụ nói rằng: "Ðức tin chỉ căn cứ vào Kinh thánh là đầy đủ", không cần dựa vào Huấn quyền của Giáo hội và không cần Thánh truyền. Thế nhưng thuyết Duy Kinh thánh đã không chứng minh được tìm thấy trong Kinh thánh. Kinh thánh không khẳng định chỉ Duy Kinh thánh là quy luật đầy đủ cho Ðức tin của các Kitô hữu. (Patrick Madrid: Where is that in the Bible: authority of the Church, page 39, Our Sunday Visitor Publishing)
- Phía Giáo Hội công giáo:
Ðưa ra những chứng cứ qủa quyết sự quan trọng gồm phẩm trật Giáo Hội, Thánh truyền và Huấn quyền của Giáo Hội: Matthêu 16: 18-19: "Trên đá này Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày... Thày sẽ trao cho con chìa khoá nước Trời, sự gì con cầm buộc dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc, sự gì con cởi mở dưới đất, trên Trời cũng cởi mở." Matthêu: 18: 17-18: "Nếu nó chẳng nghe lời Hội Thánh, hãy kể nó như một người ngoại và một người thu thuế, thật, Thày nói thật cho anh em, dưới đất, anh em cầm buộc điều gì, trên Trời cũng cầm buộc như vậy, dưới đất, anh em tháo cởi điều gì, trên Trời cũng tháo cởi như vậy". Luca: 10: 16: "Ai nghe anh em là nghe Thày, mà ai khước từ anh em là khước từ Thày, mà ai khước từ Thày là khước từ Ðấng đã sai Thày". Trong Cựu ước, chúng ta còn tìm thấy lời cảnh cáo cho những ai khước từ thẩm quyền giảng dạy của các tư tế là những người Chúa trao thẩm quyền cắt nghĩa lề luật và truyền đạt lời Chúa một cách chính thức. (x Lêvi 20: 1-27, 25: 1-55). Trong sách Ðệ nhị luật: 17: 11-13: "Căn cứ vào lời các tư tế chỉ giáo cho anh em, và vào bản án họ công bố cho anh em, anh em sẽ hành động đúng như lời họ thông báo cho anh em, không đi trệch bên phải bên trái. Người nào cả gan không nghe vị tư tế chầu chực ở đó để phụng sự Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hay không nghe vị Thẩm phán, thì sẽ phải chết."