Hỏi: Xin cha cho biết về ĐỨC TIN VÀ NHỮNG THỬ THÁCH THỜI SƠ KHAI?
Đáp:
Nếu mục đích của Năm Đức Tin là giúp Kitô hữu hiểu, yêu mến, và học hỏi thêm đức tin đã lãnh nhận, thì cách tốt nhất là nhìn lại chính lịch sử hình thành đức tin trong đời sống cha ông chúng ta. Bốn trăm năm đầu tiên của Giáo hội, các Kitô hữu phải chống trả với rất nhiều “thù trong, giặc ngoài”, những âm mưu nhằm phá hoại đức tin non nớt của họ. Ba trăm năm đầu với “giặc ngoài”, là những áp lực của chính quyền, các triết lý đương thời, các tôn giáo khác v.v… khi những áp lực này vu cáo Kitô giáo phản quốc (không phục tùng hoàng đế), tà đạo (vì dám thờ Ba Chúa thay vì Một Thiên Chúa như Do Thái giáo), và man rợ (vì ăn thịt và uống máu trong các dịp Lễ) v.v… Từ thế kỷ thứ tư, Giáo hội đối đầu với “nội thù” là những lạc thuyết và lạc giáo xuất phát từ những thần học gia hay tu sĩ Kitô giáo diễn dịch sai lạc về Kinh Thánh và truyền thống Giáo hội, gây hoang mang và chia rẽ trong Giáo hội.
Hiện nay một số cho là lịch sử đang phần nào tái diễn, và đây là nguyên nhân dẫn đển khủng hoảng đức tin. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu và học hỏi cách thức cha ông bảo vệ và tăng cường đức tin ngày xưa để làm bài học cho ta ngày nay.
Hộ Giáo Học và Ngoại Thù
Khi Kitô hữu thời sơ khai đối đầu với những vu cáo, bôi nhọ, xuyên tạc, chế nhạo và ngay cả cấm đoán họ sống đức tin, họ thấm hiểu lời thánh Phêrô dạy: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” (1 Pet 3:15). Môn Hộ Giáo Học (được dịch từ tìếng Hi Lạp apologia, nguyên nghĩa là bài nói chuyện để bào chữa hay để trả lời những tố cáo của người khác)[1] ra đời trong những thế kỷ đầu tiên nhằm giải thích những thắc mắc hay minh oan những vu cáo của chính quyền hay các triết gia về tính phi lý của đức tin Kitô giáo.[2]
Hộ Giáo Học thường có ba chức năng chính: Chứng Minh, Tự Vệ và Phản Công. Chứng Minh là đưa ra những bằng chứng vững chắc, hợp lý tại sao ta tin. Tự Vệ là là trả lời những thắc mắc mà người khác cho rằng Kitô hữu tin không hợp lý. Và Phản Công là “tấn công sự ngu xuẩn” (TV 14:1; 1 Cor 1:18-2:16) của những tư tưởng không đáng tin (như cổ động cho tà thần, đa thần, hay vô thần…).