Luật hiện hành của Giáo hội buộc rằng thánh lễ phải được cử hành với bánh không men (Giáo Luật, số 926).
Nhưng ngày xưa không hẳn như thế. Vào giữa thế kỷ thứ II, thánh Justinô cho biết là giáo dân đem bánh nướng tại nhà mình đến để dâng trên bàn thờ. Chắc chắn đó là bánh nướng được làm dậy bằng men. Cho tới thế kỷ thứ XI, người ta chấp nhận cả bánh có men lẫn bánh không men để cử hành thánh lễ. Vào giữa thế kỷ XI, Giáo hội Tây Phương có thói quen chỉ dùng bánh không men.
Tại sao bánh có men được thay dần dần bằng bánh không men?
1. Trước tiên, vì theo gương Chúa Kitô. Theo các thánh sử Mát-thêu (26,17), Mác-cô (14,12) và Lu-ca (22,7-8), bữa Tiệc Ly là tiệc lễ Vượt Qua, trong đó người ta dùng bánh nướng không men để tưởng nhớ ngày dân Do thái, do phải vội vã lên đường trốn ra khỏi Ai cập, họ không có đủ thời giờ để chờ bột dậy men rồi đem nướng. Dùng bánh không men là cách để nhắc nhở việc ấy.
2. Vào thế kỷ thứ XII, việc tôn kính Thánh Thể trở nên phổ biến và được thực hiện một cách tỉ mỉ. Người ta cố giữ làm sao không cho một mẩu vụn bánh nào rơi xuống đất. Bánh không men được xét là thích hợp hơn để dâng thánh lễ vì ít bở hơn và nhẹ hơn bánh có men. Vả lại, với bánh không men, người ta làm được dễ dàng những tấm bánh trắng và đẹp, dấu chỉ sự tinh tuyền của lễ vật chúng ta dâng. Hơn nữa, với bánh không men, người ta dễ làm các bánh nhỏ dành cho giáo dân.
3. Thánh lễ là dấu chỉ của sự hiệp nhất. Do Giáo hội Đông Phương vẫn duy trì bánh không men, nên việc chúng ta cũng dùng bánh không men để biểu lộ sự hợp nhất với các Kitô hữu Đông Phương.
4. Thánh lễ không phải là bữa tiệc như những bữa tiệc khác. Dùng loại bánh đặc biệt nói lên tính chất đặc thù của bữa tiệc Thánh Thể.
(Trích từ tập sách "40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ" của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)
Trích: http://tgpsaigon.net/hoi-dap/20111112/13409