Đáp: 

Sau khi bẻ bánh thánh, ngay trước lúc rước lễ, linh mục bỏ một mẩu bánh thánh nhỏ vào trong chén thánh.

Sách lễ không giải thích nghi thức này, có lẽ do không thấy sự cần thiết hoặc do không chắc chắn về ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, Giáo hội vẫn giữ lại nghi thức ấy vì muốn trung thành với truyền thống. Có hai cách giải thích:

1. Nghi thức này có thể liên quan đến thời gian đầu của Giáo hội. Các mẩu bánh thánh trong thánh lễ của Đức Giáo hoàng được phân chia cho các cha xứ tại các nhà thờ nội thành Rôma. Những vị này không thể đến dự lễ Đức Giáo hoàng cử hành do phải dâng lễ cho giáo dân. Việc chia bánh thánh này muốn diễn tả sự hợp nhất của linh mục đoàn thành Rôma với vị giáo hoàng của mình.

2. Cũng có thể cho rằng đây là những bánh thánh được giữ lại để cho những người bệnh và những người hấp hối rước lễ. Người ta cần thay thế lại mỗi khi bánh thánh trở nên khô cứng, bằng cách nhúng vào rượu thánh cho mềm bớt để chịu lễ cho dễ dàng hơn.

Ngày nay, mặc dù chưa có giải thích chính thức nào, người ta thường nói đến ý nghĩa tượng trưng của bánh thánh và rượu thánh. Giới thiệu mình và máu, như Chúa Giêsu đã làm ở bữa Tiệc Ly, theo não trạng của người Do thái, là gợi lên sự chết, vì sự sống (tượng trưng bởi máu) không ở trong xác thịt nữa. Do đó, hòa lẫn Mình Thánh và Máu Thánh trong chén thánh để diễn tả rằng Chúa Kitô hằng sống, đó là chuyện tự nhiên. Vả lại, khi nhìn bánh và rượu trên bàn thờ, chúng ta nghĩ ngay đến bữa ăn, dấu chỉ của sự sống.

Khi bỏ một mẩu bánh thánh nhỏ vào trong chén thánh, chủ tế đọc nhỏ: “Xin cho việc hòa Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, mà chúng con sắp lãnh nhận, đem lại cho chúng con sự sống muôn đời”.

(Trích từ tập sách "40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ" của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)

Trích: http://tgpsaigon.net/hoi-dap/20111112/13407

Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp | Privacy Policy | Terms of Use
2121 W. Apollo Rd., Garland, TX 75044 | Tel: (972) 414-7073 | E-mail: dmhcggarland@gmail.com