Hỏi: là tín hữu Chúa Kitô, chúng ta có trách nhiệm về phần rỗi của người khác hay không?
Trả lời: Chúa dựng lên con người để sống chung với người khác, trước hết là ở trong một gia đình và sau đó trong một xã hội lớn hay nhỏ. Nghĩa là không ai sống lẻ loi một mình trong một ốc đảo (oasis) không có ai ở chung quanh mình. Vì thế người ta đã định nghĩa con người là một sinh vật có xã hội tính (man is a sociable being).
Là người Việt Nam, trước kia từng chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với tam cương ngũ thường, là những nguyên tắc đạo đức căn bản để xây dựng con người từ trong gia đình ra ngoài xã hội; với những bổn phận và trách nhiệm đòi buộc mọi người phải sống và thi hành để xứng đáng là tín đồ của Nho Đạo. Liên quan đến sự liên đới giữa người với người, không ai được khuyến khích “sống chết mặc bay” để chỉ biết ích kỷ nghĩ đến mình, lo cho mình và dửng dưng đối với người khác.
Ngược lại ngày nay, với văn hóa và văn minh Âu Mỹ, cá nhân chủ nghĩa (individualism) lại được đặc biệt đề cao và thực hành ở khắp nơi. Người Việt chúng ta đang sống ở các nước Âu Mỹ cũng không khỏi chiu ảnh hưởng của các trào lưu tục hóa (vulgarism) cá nhân chủ nghĩa, tôn thờ vật chất, tiền bạc và hư danh trần thế. Do đó, những giá trị tinh thần như nhẫn nhục, chịu đựng, tha thứ, hy sinh, chung thủy, nhân nghĩa, vị tha, danh thơm tiếng tốt của văn hóa Khổng Mạnh đã bị coi nhẹ, hay xem thường khiến cho rất nhiều người không còn e sợ tai tiếng để dễ chấp nhận những việc mà xưa kia không ai, hay rất ít người dám làm, như ly dị, ngoại tình, con cái không vâng phục cha mẹ, người lớn dửng dưng trước sự đau khổ hay tha hóa (moral deviation) của người khác.
Người Mỹ thường hay nói, “Leave me alone! None of your business! = Để mặc tôi! Không phải là việc của anh (chi, ông, bà..)! Đây là tiêu biểu cho chủ nghĩa cá nhân, không muốn ai chỉ huy, hay can thiệp vào đời tư của mình và mình cũng không muốn bận tâm gì đến người khác.