I. TỔNG QUÁT

Tựa đề nguyên thủy của sách là Sách Khôn Ngoan của Salomon nhưng các văn bản La tinh chỉ gọi đơn giản là Sách Khôn Ngoan. Salomon không bao giờ xuất hiện trong sách như tác giả nhưng đại từ “tôi” rõ ràng nhắc đến những hành động của Salomon (chương 9). Dựa vào nội dung của sách, các học giả suy đoán rằng tác giả của sách là một người Do thái đạo đức, trung thành với Lề luật, học thức cao, biết thi ca và triết học Hi lạp.

Sách Khôn Ngoan có lẽ đã được biên soạn vào giữa thế kỷ 1 tức khoảng năm 50 trước Công nguyên. Nơi biên soạn có thể là Ai Cập vì tác giả quan tâm nhiều đến những vấn đề liên quan đến Ai Cập.

Mục đích của sách là nhằm củng cố đức tin của các độc giả Do thái. Một số độc giả là những người đạo đức và tác giả khuyến khích họ giữ vững đức tin giữa những xáo trộn của đời sống. Một số khác xem ra đã bị lung lay trước sức hấp dẫn của triết học Hi lạp, và Sách Khôn Ngoan muốn nhắc họ nhớ lại vẻ đẹp của tôn giáo và niềm tin truyền thống so sánh với niềm tin và tư tưởng của dân ngoại. Đối với những người đã bỏ đạo, Sách Khôn Ngoan kêu gọi họ trở về với Chúa. Cuối cùng có thể có độc giả là dân ngoại, Sách Khôn Ngoan chỉ cho họ thấy sự sai lầm khi thờ phượng các ngẫu tượng.

Sách Khôn Ngoan dạy ta rằng Thiên Chúa hoạt động khắp mọi nơi, biết hết mọi sự, và yêu thương hết mọi loài. Thiên Chúa cũng trừng phạt và ban phần thuởng dù phần thuởng ở đây không nhất thiết là của cải trần gian. Sự ác trong thế gian bắt nguồn từ sự ghen tị của ma quỷ. Sự khôn ngoan gần như được đồng hoá với Thiên Chúa vì phát xuất từ Thiên Chúa và thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong thế giới. Theo đuổi sự khôn ngoan là điều tốt đẹp nhất, và đạt đến khôn ngoan là được đến gần Chúa hơn. Sách Khôn Ngoan cũng dạy rằng con người có linh hồn bất tử; sau khi chết, người công chính sẽ được ở bên Chúa và các thánh. Tuy nhiên tác giả không nói về sự phục sinh thân xác. Sống công chính là con đường dẫn đến sự khôn ngoan và con người có tự do chọn lựa Chúa hay điều ác.

Sách Khôn Ngoan có ba phần chính:

- Khôn ngoan, phần thuởng của công chính (1,1 – 6,21)

- Salomon ca tụng sự khôn ngoan (6,22 – 11,1)

- Sự quan phòng của Chúa trong cuộc Xuất hành (11,2 – 19,22)

II. LỐI SỐNG CỦA PHƯỜNG VÔ ĐẠO (1,16 – 2,24)

Câu mở đầu (1,16) khẳng định gốc rễ của sự ác là chọn lựa của mỗi cá nhân. Phường vô đạo ở đây có thể hiểu về Adam và Eva “đã lên tiếng vẫy tay mời thần chết,” nhưng cũng có thể hiểu về con người tội lỗi nói chung. Những từ “bầu bạn, kết giao” cho thấy sự gắn bó với cái ác và trở thành sở hữu của ma quỷ.

2,1-5 nói đến quan niệm của phường vô đạo về cuộc sống và cái chết. Đối với họ, hiện hữu và cuộc sống này chỉ là do tình cờ ngẫu nhiên chứ không do tình yêu của Thiên Chúa (câu 2-3), và chết là hết, không còn gì khác. Quan niệm này phản ánh một số tư tưởng triết học thời đó, nhưng cũng là suy nghĩ của nhiều người ngày nay.

Quan niệm sống đó dẫn đến lối sống buông thả (2,6-9) được mô tả bằng những từ cụ thể: hưởng lấy của đời này, say rượu quý, truy hoan, dấu vết ăn chơi. Điều nguy hiểm nhất là lối sống đó lại trở thành xác tín “đó chính là phần, là số ta được hưởng” (câu 9). Đây chẳng phải là lối sống của nhiều người ngày nay sao? Họ quên rằng cũng giống như mọi thực tại, khoái lạc phải có giới hạn của nó; nếu không chính nó sẽ hủy diệt con người.

Sự suy đồi của phường vô đạo còn đi xa đến chỗ triệt hạ người công chính (2,10-20). Chúng chống đối người khôn ngoan (gồm cả người già có kinh nghiệm khôn ngoan) và gạt bỏ lề luật của Thiên Chúa đòi hỏi phải chăm sóc người nghèo khổ và kẻ mồ côi. Câu 12-16 cho thấy động lực tâm lý sâu xa của phường vô đạo khi triệt hạ người công chính, đó là triệt hạ tiếng lương tâm, tiếng nói của chân lý, tiếng nói phê phán và tra vấn lối sống tội lỗi của họ. Phải triệt hạ người công chính để có thể an tâm vui hưởng lối sống tội lỗi của mình.

Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp | Privacy Policy | Terms of Use
2121 W. Apollo Rd., Garland, TX 75044 | Tel: (972) 414-7073 | E-mail: dmhcggarland@gmail.com