I. TỔNG QUÁT

Ở trung tâm của mọi Thánh vịnh là sự hiện diện của Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel. Đối với tác giả Thánh vịnh, Đức Chúa hiện diện trước hết là trong Đền thờ. Được vua Salomon xây trên núi Sion ở Giêrusalem vào thế kỷ 10, và được xây lại vào thế kỷ 6 trước Công nguyên, Đền thờ là điểm quy tụ của ba ngày lễ lớn trong năm: lễ Vượt qua vào đầu mùa Xuân, bảy tuần sau là lễ Ngũ tuần, và lễ Lều vào đầu mùa thu. Trong khuôn viên Đền thánh, dân chúng gặp gỡ Đức Chúa, và qua những nghi thức phụng vụ, họ nhớ lại những thời điểm quan trọng như công trình tạo dựng và cuộc xuất hành.

Tuy nhiên theo tác giả Thánh vịnh, Đền thờ không phải là nơi duy nhất cho dân gặp Đức Chúa. Họ còn có thể gặp gỡ Đức Chúa qua các vua là trung gian giữa Chúa và Dân Người. Một hình thức hiện diện khác của Đức Chúa là qua Lề luật. Với các Kitô hữu, Chúa Kitô và Hội thánh của Người chính là nơi Thiên Chúa hiện diện cách rõ ràng nhất.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã trình bày thật phong phú và sâu sắc về ý nghĩa và vai trò của Thánh vịnh trong đời sống Dân Chúa:

“Các Thánh vịnh nuôi dưỡng và diễn tả tâm tình cầu nguyện của Dân Chúa là cộng đoàn quy tụ vào các dịp đại lễ tại Giêrusalem và mỗi ngày sabát trong các hội đường. Kinh nguyện này vừa có tính cá nhân vừa có tính cộng đoàn, vừa liên hệ với những người đang cầu nguyện vừa liên hệ đến toàn thể mọi người. Các Thánh vịnh vang lên từ thánh địa và các cộng đoàn Do thái tản mác khắp nơi nhưng lại bao trùm toàn thể thụ tạo; nhắc lại các biến cố cứu độ trong quá khứ và vươn đến ngày hoàn tất lịch sử; nhắc nhớ Thiên Chúa đã thực hiện những lời hứa thế nào, đồng thời chờ đợi Đấng Mêsia đến hoàn tất trọn vẹn. Được Chúa Kitô sử dụng để cầu nguyện và kiện toàn, các Thánh vịnh luôn chiếm vị trí thiết yếu đối với kinh nguyện của Hội Thánh…

Qua các Thánh vịnh, chúng ta gặp thấy những đặc điểm: lời cầu nguyện đơn sơ và tự phát, lòng khao khát Thiên Chúa qua và với tất cả những gì tốt đẹp trong vũ trụ, hoàn cảnh khó khăn của người tín hữu muốn yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự nhưng lại phải đối diện với bao thử thách và địch thù, dù vậy vẫn chờ đợi Thiên Chúa trung tín ra tay hành động; niềm xác tín vào tình yêu Thiên Chúa và phó thác theo Thánh Ý Người” (số 2586 – 2589).

150 Thánh vịnh diễn tả kinh nghiệm của Israel về Đấng Thánh. Những kinh nghiệm này được trình bày qua các hình thức và truyền thống văn chương của thời đại đó. Vì thế để hiểu và lĩnh hội những kinh nghiệm tôn giáo đó, không thể không quan tâm đến cách diễn tả của thời đại đó.

Theo các học giả Thánh Kinh, có thể chia các Thánh vịnh thành ba loại: than vãn (cá nhân hay cộng đoàn), tạ ơn (cá nhân và cộng đoàn), và ngợi khen.

II. THÁNH VỊNH THAN VÃN

1. Đặc điểm

Trong những Thánh vịnh này, có những yếu tố chính như sau:

- tiếng kêu trực tiếp và chân thành hướng lên Đức Chúa.

- than thở: mô tả cụ thể nỗi đau của cộng đoàn như bị mất mùa, bị thua trận, hoặc nỗi đau của cá nhân như bệnh tật, bị lừa đảo, bị oan ức...

- tín thác: dù phải lâm vào cơn khủng hoảng, tác giả Thánh vịnh vẫn một niềm cậy trông vào Chúa. Tâm tình này thường được bắt đầu bằng từ “nhưng” hay “tuy nhiên”...

- khấn xin: tác giả Thánh vịnh xin ơn giải cứu cho dân và xin Chúa hạ gục quân thù.

- lời bảo đảm: lời khẳng định Thiên Chúa nhận lời.

- ngợi khen: ở cuối Thánh vịnh là tâm tình ngợi khen, ngược lại với nỗi âu lo thất vọng được trình bày ở đầu.

Như thế, trong mỗi Thánh vịnh theo thể loại này, có ba nhân vật: tác giả Thánh vịnh (người đọc TV), Thiên Chúa, và kẻ gian ác. Trong lời than thở, tác giả mô tả thật bi thảm nỗi đau của mình và lấy sự vô tội của mình như lý do thúc đẩy Chúa hành động: Chẳng lẽ Chúa là Đấng công chính mà lại để cho kẻ gian ác đàn áp người vô tội như thế sao? Chẳng lẽ Chúa lại để cho Israel là dân của Chúa bị quân thù đè bẹp sao? Lời bảo đảm (như đã phân tích ở trên) được nhìn như phán quyết của Chúa, khẳng

Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp | Privacy Policy | Terms of Use
2121 W. Apollo Rd., Garland, TX 75044 | Tel: (972) 414-7073 | E-mail: dmhcggarland@gmail.com