I. MẠC KHẢI CON ĐƯỜNG CỦA ĐẤNG MÊSIA (8,27 – 9,1)

Từ đầu sách Tin Mừng đến lúc này, thánh Marco trình bày Chúa Giêsu là ai qua những kỳ công Người thực hiện. Đồng thời Marco cũng ghi nhận rằng Chúa Giêsu không muốn người ta tin vào Người chỉ vì thấy những phép lạ, do đó Chúa Giêsu thường xuyên căn dặn phải giữ “bí mật Mêsia” (8,26; 7,36; 5,43...). Với bản văn kể về lời tuyên xưng đức tin của Phêrô tại Caesarea Philippi, Chúa Giêsu bắt đầu nói rõ cho các môn đệ biết đường của Đấng Mêsia là đường thánh giá.
Cả ba thánh sử Marco, Matthêu và Luca đều kể lại sự kiện quan trọng này; tuy nhiên có những điểm nhấn khác nhau. Nếu trong Tin Mừng Matthêu, lời tuyên xưng của Phêrô đã được tưởng thưởng bằng “chìa khoá Nước Trời” (Mt 16,9), thì Marco chỉ nói đơn giản là Chúa Giêsu cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người (câu 30). Lý do là vì Marco biết rõ khi Phêrô tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô (Mêsia) thì ông chỉ hiểu Mêsia theo nghĩa sức mạnh trần thế, đang khi Chúa Giêsu lại hiểu khác: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều...” (câu 31).
Câu chuyện tiếp tục cho thấy Phêrô và các môn đệ chưa sẵn sàng đón nhận mạc khải này. Họ muốn một Đấng Mêsia giải thoát họ khỏi khổ đau chứ không phải Đấng Mêsia phải chịu đau khổ và chịu chết. Cho nên Phêrô mới lên tiếng trách Chúa Giêsu (câu 32), làm Chúa nổi giận đến độ đuổi Phêrô và gọi ông là Satan (câu 33)! Sau đó Marco mô tả là Chúa Giêsu nói với đám đông: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (câu 34). Nghĩa là không phải chỉ các môn đệ ngày xưa nhưng tất cả những ai muốn theo Chúa ở bất cứ thời đại nào cũng phải chấp nhận thực tế đầy khó khăn đó.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu đặt ra cho Giáo Hội hôm nay cũng như cho từng người chúng ta những câu hỏi thật quyết liệt: Trong môi trường xã hội ngày nay vốn chịu ảnh hưởng của lối sống hưởng thụ và duy vật chất, làm thế nào để sống lời mời gọi của Chúa cách triệt để nhất? Ta phải làm chứng cho những giá trị Tin Mừng như thế nào trong bối cảnh sống hiện tại?
II. CẦU XIN VINH QUANG, ĐƯỢC BAN THÁNH GIÁ (10,35-45)
Thật khó có thể tin rằng hai anh em Gioan và Giacôbê dám xin được ngồi bên hữu bên tả Chúa Giêsu trong vinh quang, khi mà Chúa đã nói rõ về con đường của Đấng Mêsia là con đường đau khổ. Matthêu làm nhẹ đi bằng cách cho biết bà mẹ của hai anh em đưa ra lời khẩn cầu này (Mt 20,20).
Đáp lại lời khẩn cầu này, Chúa Giêsu đưa ra lời thách đố: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép Rửa Thầy sắp chịu không?” (câu 38). Chén và Phép Rửa có ý ám chỉ cơn hấp hối và cái chết của Chúa. Khi họ trả lời là có thể, Chúa Giêsu xác định: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép Rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được” (câu 39-40). Chúa Giêsu không trả lời “có” hay “không” nhưng Người đưa ra lời thách thức: Có lẽ Chúa Cha sẽ ban vinh dự đó cho các anh nếu các anh sẵn lòng vác thập giá của Thầy, uống chén của Thầy, chịu phép Rửa của Thầy! Bạn nghĩ sao nếu đó là lời Chúa nói với bạn?
Sau đó Marco chuyển sang một chủ đề khác. Có lẽ ta cũng giống như các môn đệ khác, cảm thấy bực bội khi thấy hai anh em Giacôbê và Gioan tính toán ích kỷ. Nhưng từ đó, Chúa Giêsu dạy cho mọi người trong Hội Thánh bài học quan trọng: bất cứ ai muốn theo Chúa đều phải giã từ lối nghĩ và lối sống ăn trên ngồi trước, đè đầu đè cổ người khác. Làm môn đệ Chúa Giêsu là phải sống tinh thần phục vụ, đó chính là đường dẫn đến vinh quang. Đồng thời Chúa Giêsu cũng đưa ra cung cách lãnh đạo hoàn toàn mới mẻ và ngược lại quan niệm quen thuộc của người đời, đó là lãnh đạo trong tinh thần người tôi tớ. Đây là điều mà những ai được trao quyền lãnh đạo trong Giáo Hội phải không ngừng ghi nhớ để đối chiếu và xem xét lại cách hành xử quyền bính của mình.
III. KHÁM PHÁ CON THIÊN CHÚA NƠI ĐẤNG CHỊU ĐÓNG ĐINH (15,33-41)
Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp | Privacy Policy | Terms of Use
2121 W. Apollo Rd., Garland, TX 75044 | Tel: (972) 414-7073 | E-mail: dmhcggarland@gmail.com