SỰ CHỐNG ĐỐI GIA TĂNG (19,1 – 23, 39)
Thánh Matthêu ghi nhận: “Khi Chúa Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Galilê và đi đến miền Giuđêa, bên kia sông Giođan” (19,1). Với Matthêu cũng như với Marcô, Galilê là nơi chốn của mạc khải: “Khi Chúa Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê… Từ lúc đó, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,12-17). Còn Giuđêa là nơi chốn của khước từ và chết chóc.
Sau khi trình bày một số giáo huấn của Chúa: về việc ly dị (19,1-12), đời sống khiết tịnh (19,13-15), mối nguy hiểm của của cải (19,16-26), thánh Matthêu nói đến việc Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó của Người lần thứ ba (20,17-19). Tiếp theo đó, Matthêu kể lại việc Chúa vào thành Giêrusalem trong tư cách Mêsia (21,1-11).
Trong trình thuật này, thánh Matthêu vận dụng sách tiên tri Isaia và Dacaria. Ngài kể lại: “Khi thầy trò đến gần thành Giêrusalem và tới làng Bếtphagiê, phía núi Oliu” (21,1). Câu này gọi về Dac 14,4-9: “Ngày ấy, Người sẽ dừng chân trên núi Oliu, đối diện với Giêrusalem, về phía đông… Ngày ấy, Đức Chúa sẽ là Chúa duy nhất và Danh Người là Danh duy nhất”. Sự kiện Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa, tiến vào thành Giêrusalem, cũng tương ứng với Dac 9,9 và Isaia 62,11: “Nào thiếu nữ Sion, hãy mừng vui hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Sion, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ”. Dân chúng đón tiếp Chúa Giêsu và hò reo vang dậy bằng những lời Thánh vịnh 118,25-26: “Hoan hô Con Vua Đavít! Chúa tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô Chúa trên các tầng trời”.
Như thế, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong tư cách Đấng Mêsia, hoàn toàn hợp với những điều các tiên tri loan báo và dân chúng trông chờ. Tuy nhiên, Người không vào thành Giêrusalem như một nhà lãnh đạo quân sự hay một chính khách, mà như vị vua khiêm tốn. Hình ảnh ấy mở đường cho những gì sẽ xẩy ra trong suốt cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế.
Hành