THÀNH LẬP HỘI THÁNH Ở CÔRINTÔ (18,1-11)
Thánh Phaolô gặp ông Aquila và vợ ông là Priscilla ở Côrintô, đôi vợ chồng được ngài gọi là “những người cộng tác để phục vụ Đức Kitô Giêsu, đã liều mất đầu để cứu mạng tôi” (Rm 16,3-5). Cùng với những người Do thái khác, hai vợ chồng đã bị nhà vua trục xuất khỏi Rôma. Họ cùng làm một nghề với Phaolô, nghề dệt lều, nên ngài ở lại nhà họ và cùng làm việc. Phaolô thường nhấn mạnh: “những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, thì đôi tay này tự cung cấp” (Cv 20,33-35).
Khi Sila và Timôthê từ Macêđônia tới thì tình hình thay đổi vì thánh Phaolô có thể dành trọn thời giờ cho việc rao giảng. Trong thư 2 Cor 11,8-9, thánh Phaolô đã nói với dân Côrintô rằng: “Hồi ở giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, tôi đã chẳng phiền lụy ai, vì các anh em từ Macêđônia đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần”. Nhờ đó, thánh Phaolô có thể hiến trọn thời giờ cho việc rao giảng, “long trọng làm chứng cho người Do thái biết rằng Đức Giêsu chính là Đấng Kitô” (Cv 18,5). Ở thời nào và ở bất cứ đâu, người Kitô hữu có thể cộng tác vào việc loan báo Tin Mừng bằng nhiều cách, một trong những cách đó là giúp đỡ các sứ giả Tin Mừng về tinh thần cũng như vật chất.
Vì dân Côrintô chống đối lời rao giảng của Phaolô và vì họ nói lộng ngôn, nên ngài nói với họ hai điều (18,6). Một là “máu các ngươi cứ đổ xuống trên đầu các ngươi”; câu này nhắc lại lời trong Ezekiel 33,4 và Phaolô còn nhắc lại trong diễn từ từ biệt (Cv 20,26). Hai là “từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại”. Trong sách Công Vụ, Phaolô đã nói điều này 3 lần: 13,51; 18,6; 28,25-28; hàm nghĩa một khẳng định quan trọng. Tuy nhiên, ngài không rời Côrintô ngay mà dọn đến ở nhà ông Titô Giustô, một người ngoại kính sợ Thiên Chúa. Ngài cũng đã cải hóa Crispô là trưởng hội đường cùng với cả nhà ông. Như thế, người Do thái vẫn tiếp tục là thành phần quan trọng trong Hội Thánh.
Cv 18,9-10, kể lại thị kiến, trong đó Chúa Giêsu hiện đến và nói với Phaolô: “Đừng sợ. Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với con, không ai làm hại con được”. Một lời đầy an ủi. Chúa Kitô phục sinh luôn hiện diện và đồng hành với các môn đệ Người trên đường loan báo Tin Mừng.
DIỄN VĂN TỪ BIỆT CỦA THÁNH PHAOLÔ Ở ÊPHÊSÔ (20,17-38)
Thánh Luca cung cấp cho chúng ta hai diễn văn từ biệt: một là của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly (Lc 22,15-38), hai là của thánh Phaolô ở Ephêsô (Cv 20,17-38). Những yếu tố chính trong bài từ biệt của thánh Phaolô là :
- Triệu tập các trưởng lão (20,17);
- Nói đến sứ mạng đã thực hiện: “Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách” (20,19);
- Chứng minh đã chu toàn nhiệm vụ: “Tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em (20,20), “Nếu có ai trong anh em phải hư mất thì tôi vô can” (20,26);
- Nhắc đến cái chết cận kề: “Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi” (20,23);
- Khuyến khích các trưởng lão chu toàn nhiệm vụ: “Hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc” (20,28);
- Cảnh giác về những nguy hiểm trong cộng đoàn: “Sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng” (20,29-30);
- Chúc lành cho các trưởng lão: “Xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Ngài” (20,32);
- Cùng cầu nguyện với họ: “Phaolô cùng với tất cả anh em quỳ gối xuống cầu nguyện” (20,36);
- Giã từ.
Mục đích chính của diễn văn từ biệt là nêu cao hình ảnh người lãnh đạo như mẫu gương cho mọi người noi theo. Trong lời từ biệt của Chúa Giêsu (Lc 22), thánh Luca đã làm nổi bật điều đó khi Chúa Giêsu căn dặn nhóm Mười Hai: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Ở đây cũng thế, thánh Phaolô được nêu cao như mẫu mực cho các giám mục và linh mục trong Hội Thánh. Họ phải phục vụ