Lm. Antôn Nguyễn văn Dũng, C.Ss.R.
Khi nói về quyền giáo huấn của Giáo hội, Công Đồng Vaticanô II quả quyết rằng: “Nhiệm vụ chú giải chính thức Lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền, chỉ được ủy thác cho Quyền Giáo huấn sống động của Giáo hội và Giáo hội thi hành Quyền đó nhân danh Chúa Giêsu Kitô.”[1]
Quyền Giáo huấn (giảng dạy) được trao cho những đấng kế vị các thánh Tông đồ. Nói cách khác, hàng Giám mục hiệp nhất với Đức Giáo hoàng hợp thành Huấn quyền của Giáo hội, như một toàn thể. Huấn quyền đạt tới cấp độ cao nhất nơi Đức Giáo hoàng. Ngài được hưởng quyền này như đặc ân cá nhân gắn liền vào chức vụ tối cao của ngài. Hàng Giám mục cũng thực sự nắm quyền giảng dạy đó, nhưng cần hiệp nhất với Đức Giáo hoàng.
Dưới đây, xin được đề cập sơ qua ý niệm Huấn quyền (Magisterium) theo dòng thời gian và các hình thức thực hành Huấn quyền trong Giáo hội hiện nay.
1. Ý niệm và một thoáng nhìn lịch sử [2]
Ý niệm Huấn quyền (Magisterium) xét về nghĩa đen có nghĩa là thẩm quyền thầy dạy. Ngày nay nói đếnMagisterium thì ta hiểu rằng đó là quyền giáo huấn, thẩm quyền giảng dạy của những người kế vị các thánh Tông đồ.
Thời Giáo hội sơ khai, ý niệm “huấn quyền” dường như chẳng bao giờ được đề cập. Nhưng nói vậy không có nghĩa là huấn quyền không được thi hành. Trái lại, thẩm quyền ấy được thực thi một cách rất nhuần nhuyễn và tự nhiên. Cụ thể, những người kế vị các Tông đồ luôn là người trụ cột trong cộng đoàn để hướng dẫn cộng đoàn trước những thách đố về đức tin và đời sống luân lý.
Ý niệm “quyền giáo huấn” sang đến thời Trung Cổ không chỉ được áp dụng cho những người kế vị các thánh Tông đồ (các giám mục) mà còn được áp dụng cho các thần học gia. Vì vậy, thánh Tôma Aquinô thường nói đến magisterium cathedrae pastoralis để ám chỉ thẩm quyền giáo huấn mục vụ của các giám mục và magisterium cathedrae magistralis để ảm chỉ thẩm quyền giảng dạy của các nhà thần học.
Từ cuối thế kỷ XIX cho đến nay, Magisterium không còn được áp dụng cho các thần học gia nữa mà chỉ áp dụng cho các giám mục. Công Đồng Vaticanô II minh định vai trò Huấn quyền và khai triển các khía cạnh khác nhau của Huấn quyền Giáo hội một cách đích xác hơn. Dưới đây, ta sẽ tìm hiểu những điều liên quan đến Huấn quyền được Công Đồng Vaticanô II khai triển và làm sáng tỏ.
2. Các hình thức thực hành Huấn quyền trong Giáo hội
Giáo hội như một toàn thể, với ơn trợ giúp của Thánh Thần, không bao giờ lầm lạc trong việc tìm kiếm hiểu biết và giải thích các chân lý đức tin và mạc khải. Đặc biệt, Giáo hội được ủy thác gìn giữ và làm sáng tỏ kho tàng Mạc khải cho nhân loại qua mọi thời đại, nên ơn không sai lầm (vô ngộ) được ban cho Giáo hội.
Nhìn chung, có hai hình thức thực hành quyền giáo huấn trong Giáo hội, đó là giáo huấn thông thường & giáo huấn ngoại thường.
a. Giáo huấn thông thường (Ordinary Magisterium)
Giáo huấn thông thường là giáo huấn do Đức Giáo hoàng, các Giám mục trong tư cách cá nhân hay trong tư cách hội đồng thi hành nhiều thể thức khác nhau quyền giáo huấn của mình. Giáo huấn thông thường dưới hình thức này không được coi là vô ngộ.
Quyền giáo huấn thường xuyên của một giám mục tại giáo hội địa phương được Công Đồng Vaticanaô II làm sáng tỏ: “Giám mục là những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô, Giám mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, giảng dạy cho những kẻ được trao phó cho các ngài, một đức tin phải được xác tín và phải được áp dụng vào các phong tục, và làm sáng tỏ đức tin đó bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Các ngài rút ra những cái mới cái cũ trong kho tàng Mạc Khải (x. Mt 13,52) để làm cho đức tin trổ sinh hoa trái, và luôn tỉnh thức loại bỏ mọi lầm lạc đang đe dọa đàn chiên mình (x. 2 Tm 4,1- 4).”[3]
Các hình thức giáo huấn thông thường mà Giám mục giáo phận thi hành đó là huấn thị, thư chung, việc duyệt xét các Sách Giáo lý, hướng dẫn sinh ho