1. Phép Chuẩn là gì? Phép chuẩn hay miễn chuẩn là sự nới lỏng một luật thuần túy Giáo Hội trong một trường hợp đặc biệt, được ban do những người có thẩm quyền trong Giáo Hội (x. Giáo Luật điều 85). Như vậy có nghĩa rằng nếu có một luật buộc do Giáo Hội ban hành mà luật ấy trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó trở nên nặng nề cho tín hữu thì có thể xin miễn chuẩn với những người có thẩm quyền như đức giám mục giáo phận, cha tổng đại diện…
Trong hôn nhân có nhiều trường hợp cần miễn chuẩn như khác đạo, chưa đủ tuổi kết hôn, họ máu hàng ngang bậc 3 và 4, lời khấn trọn đời, họ kết bạn…, miễn chuẩn thể thức Giáo Luật.
Những ngăn trở theo luật Chúa hoặc luật tự nhiên thì không chuẩn được thí dụ như bất lực, họ máu hàng dọc…
Vậy phép chuẩn là việc thẩm quyền của Giáo Hội cho phép trong trường hợp đặc biệt khỏi phải tuân giữ các điều luật buộc.
Thí dụ như hai bên kết hôn mà một bên có đạo còn bên kia chưa rửa tội thì hôn nhân sẽ không thành theo Giáo Luật điều 1086 §1: Hôn nhân giữa một người đã được rửa tội trong Giáo Hội Công giáo hoặc đã được nhận vào Giáo Hội ấy với một người không được rửa tội thì bất thành.
Nếu xin được phép chuẩn khác đạo thì họ sẽ kết hôn thành sự nghĩa là nên vợ chồng thật sự trước mặt Chúa và Giáo Hội. Có phép chuẩn rồi thì hai người mới tiến hành nghi thức kết hôn.
Xưa nay người ta vẫn dùng từ phép chuẩn để nói về phép chuẩn khác đạo nên lầm tưởng phép chuẩn là hôn phối chứ thực ra phép chuẩn chỉ là sự miễn chuẩn để có thể kết hôn thành sự. Sau đó họ phải cử hành Nghi thức Hôn Phối như đã được quy định. Vậy phép chuẩn không phải là phép hôn phối.