III. ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU (1,27 – 2,18)
Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu phải “ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng Đức Kitô” (1,27). Sống Tin Mừng không phải là điều dễ dãi, đúng hơn đó là một cuộc chiến đấu. Nhưng Phaolô lại nhìn những gian truân vất vả trong cuộc chiến đó là một phúc lành chứ không phải hình phạt, “Quả thế, nhờ Đức Kitô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người mà còn được chịu đau khổ vì Người” (1,29). Ngài nói điều này không như một bài giáo huấn lý thuyết nhưng trước hết như kinh nghiệm bản thân.
Cách cụ thể, thánh Phaolô nói đến một số nét đặc trưng của đời sống Kitô hữu: sự an ủi trong Đức Kitô, sự khích lệ của tình bác ái, sự hiệp thông trong Thánh Thần, biết cảm thông và thương xót (2,1). Nếu các tín hữu sống được như thế, họ sẽ “có cùng một cảm nghĩ, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (2,2). Họ sẽ đối xử với nhau không theo tính kiêu căng ích kỷ nhưng với lòng khiêm tốn, coi người khác hơn mình và biết quan tâm đến nhu cầu của người khác hơn là chỉ biết đến nhu cầu của bản thân.
Ở đây thánh Phaolô đưa ra mẫu mực tuyệt đối là chính Chúa Giêsu Kitô, “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (2,5), sau đó ngài trích dẫn một thánh thi về Chúa Kitô (2,6-11).
Đức Kitô Giêsu đã không ích kỷ bám vào địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Ngài hoàn toàn trái nghịch với Adam là người đã sa vào cơn cám dỗ muốn nên như Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (x. Kn 3,5). Đức Giêsu đã tự nguyện trút bỏ vinh quang để mặc lấy thân nô lệ mà Adam đã để lại cho nhân loại. Và Đức Giêsu đã đi đến cùng con đường “huỷ mình ra không” này khi hạ mình vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá (2,8). Trong các bản văn cổ nhất về thánh thi này, chỉ nói đến cái chết chứ không nhắc đến thập giá. Nhưng đối với Phaolô, thập giá chính là biểu tượng vinh quang (1Cor 1,18) nên ngài nhấn mạnh rằng Đức Giêsu đã chết trên thập giá.